Biết cho đi

Lòng tốt trong ngôn từ tạo nên sự tự tin. Sự tử tế trong suy nghĩ tạo nên sự sâu sắc. Lòng tốt trong trong sự trao tặng tạo nên tình yêu thương. – Lão Tử –

Sự cho đi không chỉ là sự giúp đỡ vật chất là còn là khát khao chia sẻ các giá trị của bản thân với mọi người, nỗi khát khao từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúng ta có thể cho đi nhiều điều như: vật chất, lời khuyên, kinh nghiệm sống, những kỹ năng sự sẻ chia và tấm lòng chúng ta…Cách chúng ta cho đi thể hiện giá trị con ngừơi của chúng ta.

Maimodides một triết gia Do Thái từ thế kỷ XII đã phác họa sâu sắc triết lý sự cho đi với tám cung bậc về tinh thần trong tác phẩm Mật mã – những quy luật của sự cho đi. Ông cho rằng sự cho đi phải được xuất phát từ con tim và tâm hồn,điều đó chỉ có ý nghĩa khi tách rời những tính toán thiệt hơn như lòng tham, tội lỗi và nghĩa vụ. Như tất cả chín lựa chọn của người hạnh phúc, động lực của sự cho đi hoàn toàn là do sự tự nguyện, chứ không phải xuất phát từ mong đợi của người khác.

Quan niệm về sự cho đi mà Maimonides miêu tả trong thế kỷ XII vẫn còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Cách cho – theo quan niệm của ông – đóng vai trò lớn trong cuộc sống của người hạnh phúc, dù không hẳn là ai cũng hiểu được điều đó.

Mức cao nhất trong 8 cung bậc về tinh thần của sự cho đi theo Maimonides là mang lại hạnh phúc cho người cần, bởi nó giúp họ không còn phụ thuộc vào những người khác. Nếu chúng ta diễn giải thành ngôn ngữ hiện đại, điều đó có nghĩa là giúp người khác sống tốt hơn, độc lập hơn và tích cực hơn. Chẳng hạn, như tham gia vào các chương trình tư vấn và dạy nghề cho những người nghèo, giúp đỡ trẻ em mồ côi, đem lại niềm an ủi, chở che cho những người già neo đơn….

Cung bậc tiếp theo là sự cho đi thầm lặng – sự cho đi mà cả người cho và người nhận đều không biết nhau. Điều này nhằm để tránh sự khó xử cho cả 2 phía: Để người nhận khỏi phải xấu hổ và ngượng ngùn, để người cho không bị nghi là tự cao, khó chịu. Đây là khái niệm cho đi mà không mong nhận được đền đáp.

Thật ra, người hạnh phúc không mong chờ được đền đáp. Sự cho đi của họ xuất phát từ những tình cảm thật sự của con tim, và để mang lại niềm vui cho chính mình. Càng cho đi, họ càng cảm thấy hạnh phúc và khi đã cảm thấy hạnh phúc, họ càng muốn cho người khác nhiều hơn. Ngoài những phần thưởng về tinh thần, sự cho đi còn mang lại vô số những phần thưởng hữu hình – nó hiện hữu trong sự gắn bó, trong tình thân ái giữa con người với nhau và làm cho các mối quan hệ trở nên cởi mở hơn. Tuy nhiên, đối với người hạnh phúc, đây chỉ là lý do thứ yếu chỉ là lớp kem phủ trên chiếc bánh và không phải là điều thôi thúc họ hành động.

Xã hội ngày nay khuyến khích mọi người trao tặng bằng những phần thưởng cụ thể như: sẽ được giảm thuế khi tham gia đóng góp vào các hội từ thiện, được biểu dương nêu tên trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, đài phát thanh …vì đã đóng góp cho công đồng. Nhưng điều này làm nảy sinh một vấn đề: Nó khiến chúng ta trao tặng để được công nhận và trông chờ đựơc đền đáp. Và khi không được công nhận, chúng ta cảm thấy thất vọng, thậm chí có cảm giác như đã bị lợi dụng. Hành động cho đi như thế không còn ý nghĩa cao đẹp nữa.

Mức độ trao tặng thứ 8 – mức độ thấp nhất về tinh thần đuợc Maimonides định nghĩa – là cho đi trong sự tiếc nuối./.

Trang Huỳnh – trích Đi tìm hạnh phúc cuộc sống.

Exit mobile version