Cunda – Đồ tể mổ heo
Giáo pháp này đức Đạo sư dạy khi Ngài cư ngụ tại Veluvana (tinh xá Trúc Lâm) nhắm đến Cunda, người đồ tể mổ heo.
Chuyện kể rằng trong năm mươi lăm năm Cunda sống bằng nghề mổ heo để ăn hay bán. Nhằm lúc đói kém, ông ta đi về nông thôn với chiếc xe đầy nhóc gạo và trở về đầy ắp heo con, mua trong các làng, với giá mỗi con chỉ nửa lít hoặc một lít gạo. Sau nhà, ông ta có một miếng đất rào lại thành một chuồng heo, và ông ta nuôi heo với tất cả các loại cây cỏ và phân. Khi nào ông ta muốn giết heo, ông ta trói heo thật chắc chắn vào một cây cột và nện nó bằng một cây chày vuông để làm thịt nó sưng phồng lên và mềm đi. Rồi, banh hàm heo và lồng vào miệng nó một cái nêm nhỏ, ông ta rót nước thật nóng từ một nồi đồng đổ xuống họng nó. Nước nóng thấm vào dạ dày heo, làm lỏng phân, và tống ra ngoài hậu môn phân nóng với nước. Nếu còn một cục phân nhỏ sót lại trong bao tử heo, thì nước chảy ra biến màu và đục, nhưng khi bao tử heo đã sạch, nước chảy ra sẽ trong và sạch. Chỗ nước còn lại ông ta đổ lên lưng heo, và nước sẽ làm tuột da, lột lớp da đen. Rồi ông ta thui lớp lông cứng bằng một cây đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu heo bằng một thanh kiếm nhọn. Khi máu phun ra, ông ta hứng vào dĩa, rồi ông quay heo, bôi máu hứng được lên da. Và ông ta ngồi vào bàn cùng vợ con ăn thịt heo quay. Thịt còn lại, ông ta bán. Theo cách này, ông ta đã sinh sống trong năm mươi lăm năm. Dù đức Đạo sư ở tinh xá bên cạnh mà không có một ngày nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một nắm hoa hay một muỗng cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả.
Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống, ngọn lửa của đại địa ngục A-tỳ đã bốc cháy trước mặt. (Ngọn lửa A-tỳ là một cực hình có sức thiêu đốt kinh khủng có thể phá huỷ mắt người nào nhìn cách một trăm dặm).
Thật ra, ngọn lửa ấy được mô tả như sau: “Ngọn lửa luôn luôn phụt ngọn liên tục vào mọi phía, xa đến một trăm dặm”. Trưởng lão Nàgasena (Tỳ-kheo Na- tiên) đã dùng lối so sánh sau để chỉ sức nóng mãnh liệt biết bao so với ngọn lửa thường: “Đại vương! Hãy nghĩ xem, một khối đá to bằng một ngôi chùa đưa vào ngọn lửa địa ngục sẽ tan chảy chỉ trong chốc lát. Tuy nhiên, chúng sanh bị tái sanh ở đó, vì quả báo của việc làm quá khứ, không bị chết tiêu mà cảm thấy như đang nằm trong thai mẹ”.
Khi cực hình của đại địa ngục A-tỳ giáng xuống đồ tể mổ heo Cunda, hành động của ông ta thay đổi tương xứng với nghiệp quá khứ. Dù còn ở trong nhà, ông ta bắt đầu kêu ủn ỉn như heo và bò bằng tay và đầu gối, bỏ ra trước nhà rồi bò đến phía sau. Những người trong gia đình áp đảo và bịt miệng ông ta. Nhưng dù họ làm đủ cách (bởi không ai có thể ngăn được quả báo xảy đến cho một người do hành động quá khứ của chính người đó), ông ta vẫn bò lui và kêu ủn ỉn liên tục như một con heo.
Bảy nhà xung quanh không ai có thể ngủ được. Thân quyến của ông ta khủng khiếp vì sợ chết, không có cách nào khác có thể ngăn ông ta đi ra, họ chặn các cửa và nhốt ông ta ở trong nhà. Xong, họ bao vây nhà và đứng canh Cunda bò tới bò lui trong nhà suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ cùng cực của địa ngục, kêu ủn ỉn và rống eng éc như heo.
Qua bảy ngày bò như thế, ông ta chết và bị đọa vào đại địa ngục A-tỳ.
Vài Tỳ-kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng eng éc ồn ào, chỉ nghĩ là tiếng của những con heo, họ đi về tinh xá, ngồi một bên đức Đạo sư và bạch:
– Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín, và suốt bảy ngày vẫn tiếp tục giết heo, chắc chắn ông ta định làm tiệc chiêu đãi. Thế Tôn nghĩ xem, bao nhiêu heo bị giết ! Hiển nhiên ông ta không có một chút từ bi và hoàn toàn thiếu lòng trắc ẩn. Thật từ trước tới giờ chúng tôi chưa thấy ai độc ác và man rợ như thế!
Đức Đạo sư nói:
– Này các Tỳ-kheo! Ông ta không giết heo trong bảy ngày qua. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm quá khứ của ông ta đã xảy đến bất ngờ đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của đại địa ngục A-Tỳ đã hiển hiện. Vì cực hình này, ông ta bò tới lui trong nhà suốt bảy ngày, kêu la eng éc như một con heo. Hôm nay ông ta chết và bị đọa vào ngục A-tỳ.
Khi đức Phật nói xong, các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn! Đã đau khổ ở đây trong thế gian này, ông ta lại đi đến chỗ đau khổ nữa và tái sanh ở đó.
– Đúng thế, các Tỳ-kheo!
Đức Thế Tôn nói tiếp:
– Người nào sống buông lung, dù cư sĩ hay tu sĩ, đều bị đau khổ ở cả hai nơi.
Nói xong, Ngài đọc Pháp Cú:
(15) Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác hai đời sầu,
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm.
Trích từ TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ
Thiền Viện Viên Chiếu
Nguyên Tác: “Buddhist Legends”, Eugène Watson Burlingame