Giai đoạn nào là đỉnh cao cuộc đời bạn?
Giai đoạn nào là đỉnh cao cuộc đời bạn?
Có phải lão hóa là sự xuống dốc không tránh khỏi, hay là còn có những lợi thế không ngờ khi ta già đi?
Đã bao giờ bạn lo rằng đỉnh điểm của cuộc sống của bạn đã qua rồi không? và nó cũng chẳng buồn báo cho bạn biết khi nó vụt qua không?
Người ta nói rằng cuộc sống bắt đầu vào tuổi 40, hoặc nói rằng 60 là tuổi 50 mới, nhưng sự thật là như thế nào? Tuổi phong độ nhất là bao nhiêu?
Để hiểu được, BBC Future đã rà soát các tài liệu y học xem xét mọi thứ, từ trí nhớ đến khuynh hướng dục tính đã thay đổi như thế nào trong suốt cuộc đời. Và chúng tôi ngạc nhiên một cách thích thú với kết quả tìm được.
Hãy xem xét về mặt thể lực
Đối với những hoạt động yêu cầu một sự bùng phát năng lượng ngắn hạn và đột ngột, thí dụ như chạy đua 100m, ném tạ, hoặc ném lao, thì tuổi để nổ phát súng tranh tài là khoảng tuổi 25 của bạn, bởi vì sau đó sức sẽ xuống nhanh. Các cầu thủ bóng đá đạt đỉnh cao thậm chí khi còn trẻ hơn thế.
Một số môn thể thao lại thích ứng với tuổi cao hơn.
Những vận động viên nhiều tuổi hơn lại giỏi trong các môn cần sức “siêu bền” như môn đua xe 100 Km hoặc 1000 Km, marathon. Ngay cả sau tuổi 30 và 40 thì độ bền bỉ cũng chỉ giảm chậm.
Thí dụ Sunny McKee mừng sinh nhật lần thứ 61 bằng cách tham gia thi Ba Môn Phối Hợp có tên gọi Ironman, bao gồm đạp xe 180 Km (112 dặm) kết hợp với marathon và bơi 4 Km (2,5 dặm). Quả thực nhiều vận động viên lại mê các môn thể thao mang tính hành hạ này đến mức họ chơi ngay cả khi đã trên 70.
Thoạt đầu nhiều người cho rằng khó có triển vọng.
Khi bạn qua tuổi “đầu 2” thì khả năng ghi nhớ những sự kiện mới của bạn đã qua thời hoàng kim. Thực tế khả năng này không còn tốt ngay cả ở thời gian bạn rời ghế nhà trường.
Khả năng lưu giữ thông tin trong bộ nhớ “tạm”, giống như một tuần rượu ở quán, còn duy trì được một thời gian nữa nhưng rồi cũng giảm đều đặn vào tuổi 40-50.
Bạn đạt đỉnh cao của sáng tạo khi còn trẻ
Thậm chí đáng buồn hơn là có thể bạn đã qua điểm tột đỉnh của khả năng sáng tạo (phần lớn những phát minh được giải Nobel được nghĩ ra khi ở tuổi khoảng 40) và chất xám, là mối liên kết dài vô cùng tạo nên siêu lộ thông tin trong não, cũng có xu thế bắt đầu suy thoái dần. Điều này có thể làm cho não chậm hơn cho mọi thứ.
Tuy nhiên vẫn còn một cơ may.
Các khả năng trí óc của ta tăng và giảm theo làn sóng.
Mặc dù thực tế có thể cần nhiều thời gian hơn để bộc lộ ra, các kỹ năng khác vẫn tiếp tục phát triển, thí dụ như về đọc hiểu và toán tiếp tục hoàn thiện ở tuổi trung niên.
Lập luận xã hội, tức khả năng chèo chống tìm đường qua sự phức tạp của quan hệ con người, đạt tới đỉnh cao thậm chí mãi sau này.
Nói một cách khác, khả năng trí óc của ta tăng và giảm theo làn sóng, khi một đỉnh sóng vừa đi qua thì một đỉnh sóng khác sắp tới.
“Không có một tuổi nào mà chúng ta lại giỏi về mọi thứ, hoặc về hầu hết mọi thứ,” Josh Hartshorne nói vậy tại Đại Học Harvard. Ông là người thực hiện đa phần nghiên cứu này.
Thậm chí có thể có mặt lợi thế của việc giảm thích thú tình dục.
30% những người khỏe mạnh từ 65 đến 74 quan hệ tình dục một tuần một lần.
Nếu tin ở chương trình TV khôi hài hàng tuần và các phim ảnh thì lớp người trên 20 và trên 30 đang độ ăn chơi trác táng.
Thực tế nhu cầu tình dục cũng như hoạt động tình dục đều không giảm nhanh cho mãi tới độ tuổi từ 50 tới 60. Và ngay cả khi đó, sự giảm sút cũng còn lâu mới xảy ra nhanh.
Theo một nghiên cứu về “tuổi hoạt động tình dục tích cực” thì đàn ông 55 tuổi còn có thể hoạt động tình dục tương đối thường xuyên khoảng 15 năm nữa; đàn bà vào tuổi đó còn khoảng hơn 10 năm một chút.
Sự giao hợp có thể không hoàn toàn đều đặn và mạnh mẽ như ngày xưa, song theo nghiên cứu này thì 30% người khỏe mạnh tuổi từ 65 đến 74 vẫn còn thích quan hệ tình dục ít nhất một tuần một lần.
Cần nói hơn nữa là việc giảm nhu cầu tình dục có thể lại có các bù trừ khác, ngay sau khi thú tình dục giảm sút thì sự say mê cuộc sống lại tăng lên.
Điều này như là một nghịch lý do sự than phiền về sưc khỏe đến cùng với tuổi già, nhưng nó lại được dịu bớt phần nào do ta cuối cùng biết được cách cân đối tình cảm trải nghiệm qua những xáo trộn của những thập niên trước đó.
Thần dược để trẻ lâu là gì?
Vậy chúng ta có được cái gì từ những phát hiện đó?
Nói trắng ra, ta có thể kết luận là ta ở đỉnh cao của tình dục ở tuổi 20-30, ở đỉnh cao của sức khỏe ở tuổi 30-40, ở đỉnh cao của trí tuệ ở tuổi 40-60 và ở đỉnh cao của sự sung sướng nhất ở tuổi 60-70. Thế nhưng đó chỉ là tuổi trung bình, do vậy quỹ đạo đời riêng bạn có thể khác.
Có lẽ quan trọng hơn là sự thừa nhận chung rằng từng tuổi được chia những phần bằng nhau về cái thịnh và suy; tức là không có tuổi đỉnh cao của cuộc đời.
Điều lạc quan hơn là một số cạm bẫy ít đáng ngại nhất lại không đến mức không tránh khỏi như ta tưởng.
Thể dục, đặc biệt, không những chỉ bảo đảm sức khỏe lâu dài hơn và chống được một số bệnh của tuổi già như tiểu đường hay ung thư, mà nó cũng tăng cường trí nhớ.
Những người khỏe mạnh cũng hưởng thêm khoảng 5 năm hoạt động tình dục vào thời gian cuối đời. Nó thực sự là thứ thuốc gần nhất với thuốc tiên để trẻ lâu.
Các nhà tâm lý học thấy rằng tình trạng tinh thần có thể đóng vai trò lớn hơn ta tưởng.
Một số người cho biết họ cảm thấy trẻ hơn tuổi, một quan điểm trẻ trung làm cho họ năng động hơn và vì vậy sống lâu hơn. Nói khác đi, một số hạn chế có thể do tự mình đặt ra hơn là một sản phẩm không tránh khỏi của cơ thể do lão hóa.
Không gì có thể giúp ta đảo ngược quá trình già dần. Nhưng nếu định vị được quá trình tiến triển của nó và chấp nhận những điểm mạnh điểm yếu thì chúng ta ít nhất cũng trải nghiệm nó như một hành trình kỳ thú. Một đỉnh cao nữa có thể đang chờ ta đó.
Trang Huỳnh sưu tầm