Thay thái độ, đổi cuộc đời – Kế hoạch thay đổi bản thân trong 1 tháng

Thay thái độ, đổi cuộc đời – Kế hoạch thay đổi bản thân trong 1 tháng

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống hiện tại của mình quá bi kịch hay đáng chán thì hãy thử áp dụng kế hoạch này trong một tháng (hoặc lâu hơn) để thấy rằng trên thế giới này không có gì không thể thay đổi được.

Tuần 1: Thanh lọc tâm hồn và cả cơ thể
1. Thức dậy sớm vào khoảng 6 giờ sáng. Bạn sẽ nhận rằng mình có nhiều thời gian cho bản thân hơn những ngày bình thường. Bạn sẽ có thêm được một khoảng thời gian yên bình và tĩnh lặng để suy nghĩ về những việc của ngày hôm qua và những gì cần phải làm trong thời gian sắp tới.

Dậy sớm cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thêm thời gian cho những bài tập thể dục buổi sáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và thư thái hơn, chuẩn bị cho một ngày làm việc tiếp theo. Bạn có thể tập yoga hoặc các bài tập thể thao trong khoảng 30 phút trên TV hoặc Youtube. Thói quen ngủ nướng sẽ khiến cơ thể của bạn mệt mỏi và uể oải hơn mà thôi.

2. Ăn sáng đầy đủ. Những công việc trong một ngày mới đòi hỏi rất nhiều năng lượng để giải quyết. Chắc chắn là bạn cũng không muốn mình cảm thấy bủn rủn hết cả tay chân khi chưa được đến nửa ngày làm việc đâu, đúng không? Vậy nên bữa ăn sáng đóng vai trò quan trọng trong việc nạp năng lượng cho cả ngày “chiến đấu” với thế giới của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hơn là những món ăn sáng “độc hại” như thuốc lá hay cà phê nhé (có rất nhiều người có thói quen “dùng” hai thứ này như một phần không thể thiếu cho bữa ăn sáng).

Tuần 2: Quan tâm đến cuộc sống cá nhân hơn

1. Dọn dẹp nơi ở của bạn và đừng ngại vứt đi những thứ không cần dùng đến nữa. Những món đồ thuộc dạng “kỷ niệm” nhưng chẳng bao giờ bạn đụng đến cũng cần được xếp gọn lại hoặc cho/tặng những người cần đến chúng, hơn là bỏ xó và đóng bụi. Chỉ giữ lại những món bạn thật sự cần và hữu dụng mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng nên dọn sách bụi trong từng ngóc ngách trong phòng và lau nhà đi nhé.
2. Xem lại các kế hoạch của cá nhân và hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Bạn còn nhớ lần cuối cùng mình lên kế hoạch học thêm ngoại ngữ là cách đây bao nhiêu năm không? Và bạn có nhớ là mình tự hứa sẽ đăng ký tập gym bao nhiêu lần mà vẫn chưa thực hiện không? Đã đến lúc bạn dứt khoát thực hiện những kế hoạch đã tự đặt ra cho mình rồi đó. Ngoài ra, những gì đã hứa với người khác thì bạn cũng nên thực hiện đầy đủ, đừng dây dưa quá lâu nữa.

Bạn có 2 lựa chọn đối với những việc chưa thể giải quyết: 1 là hoàn thành chúng và 2 là vứt chúng ra khỏi danh sách những việc cần làm của mình.

3. Xem lại cuộc sống xã hội của mình. Hãy mạnh dạn “chia tay” những mối quan hệ khiến bạn mệt mỏi hoặc chán nản. Bạn không cần phải cố gắng thuyết phục những người có cái nhìn quá tiêu cực với cuộc sống hoặc quá kiêu ngạo. hãy cho phép bản thân mình ích kỷ và điên rồ đôi chút để được tự do, thoải mái hơn. Ngoại trừ bố mẹ ruột của mình ra thì bạn không “mắc nợ” bất kỳ ai để phải hao tốn công sức thuyết phục họ tin vào những điều tích cực như mình đâu.

Tuần 3: Lên kế hoạch và theo đuổi mục đích của mình

1. Hãy viết ra những việc bạn cần/muốn làm và cố gắng thực hiện chúng. Theo dõi xem bản thân có còn hứng thú hay xông xáo với những việc đang muốn làm hay không. Nếu câu trả lời là không thì có lẽ bạn nên gạch việc đó ra khỏi danh sách những việc cần làm của mình đi. Hoặc nếu câu trả lời là có thì bạn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

2. Lên kế hoạch dựa trên cuộc sống hàng ngày. Ngoài những kế hoạch dài hạn cho tương lai, thì bạn cũng cần lên danh sách cho những việc cần phải làm trong “ngày mai”. Cứ mỗi cuối ngày là thời điểm để bạn tổng kết lại xem một ngày làm việc của mình có hiệu quả hay không. Ngoài ra, đó cũng là thời điểm tốt để bạn lên danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau. Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ bỏ sót những việc quan trọng cần làm và cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho mình.

Tuần 4: Mở rộng tầm nhìn

1. Sống khác cuộc sống thường ngày của mình. Kể cả một khác biệt nhỏ nhất cũng sẽ có ảnh hưởng bất ngờ đối với bạn. Hãy đi một con đường khác so với con đường quen thuộc hàng ngày.

2. Bước ra khỏi vùng an toàn. Có thể bạn đang hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình hoặc bạn cũng đã từng “phiêu lưu mạo hiểm”. Nhưng cuộc sống là những chuỗi ngày đặc biệt, cần chúng ta bước đi xa hơn và nhìn rộng hơn so với những gì mình đang thấy. Nếu bạn sợ độ cao thì hãy thử nhảy dù, thay vì cứ run rẩy sợ hãi khi đi đến những tòa nhà cao tầng. Nếu bạn gặp phải một “cấp trên” khó chịu thì hãy thử bỏ mặc ông ta với dự án mới đi thay vì phải vắt kiệt sức mình làm thay ông ta. Cứ mạnh dạn làm những việc mình chưa từng làm hoặc đến những nơi bạn chưa từng đến.
3. Nghỉ ngơi. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình đã làm việc vất vả nhiều rồi và cũng cần phải nghỉ ngơi chưa. “Nghỉ ngơi” ở đây cần được hiểu là bạn sẽ ra ngoài thư giãn, tắt wifi, không lướt web nữa và dành thời gian cho riêng mình. Thêm vào đó, hãy tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi này để nhìn lại những việc đã xảy ra trong thời gian vừa qua, những việc mình đã làm được, và dự đoán những điều sẽ xảy ra trong tương lai của mình

Trang Huỳnh Theo Brightside
Exit mobile version